Nhằm tích cực đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới, sáng ngày 11/04/2024, được sự phân công của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang đã thay mặt tổ nhóm chuyên môn trường THCS Tân Triều thực hiện chuyên đề môn hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 7 với nội dung: "Giáo dục học sinh ý thức giữ gìn và phát triển nghề truyền thống ở địa phương” thông qua chủ đề 8: “Khám phá thế giới nghề nghiệp”. Tiết học đã giúp các em tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử và nét đẹp của nghề truyền thống ở hai ngôi làng ngoại thành ven đô: Triều Khúc và Yên Xá xã Tân Triều.
Đến dự & chỉ đạo chuyên môn có đồng chí Nguyễn Thị Kim Thoa - chuyên viên phòng GD&ĐT, đại diện BGH, các đồng chí giáo viên giảng dạy bộ môn trên địa bàn huyện.
Màn trình diễn điệu Múa Bồng cổ truyền thống của làng Triều Khúc đã mở đầu tiết học thay cho lời chào mừng trân trọng nhất mà học sinh trường Tân Triều gửi đến các thầy cô tham dự chuyên đề.
Vở kịch hấp dẫn “Miền quê yêu dấu” của nhóm 1 và 2 đã đưa người xem trải nghiệm tại không gian văn hóa của làng Yên Xá với hai nghề truyền thống nổi tiếng là nghề làm guốc mộc và bánh đúc. Vở kịch không chỉ giúp các em truyền tải khéo léo các thông tin về sự hồi sinh của những đôi guốc mộc truyền thống mà thông điệp về đạo đức nghề nghiệp cũng được truyền tải một cách khéo léo.
Dưới sự dẫn dắt tài tình của cô giáo, qua đoạn vi deo đặc sắc, học sinh đã được đến với không gian văn hóa của làng Triều Khúc – nơi được mệnh danh là đất trăm nghề khi xưa. Câu chuyện về Vũ sứ thần – tổ nghề của làng, chuyện các nghệ nhân mang sản phẩm truyền thống như tết nón quai thao, chân chỉ y môn, quả củ.. vào Huế tham dự triển lãm được vua Bảo Đại ban khen danh hiệu “Hàn lâm công nghệ” đã tái hiện sinh động lịch sử làng nghề từng có thời hoành kim buôn bán sầm uất, giàu có nổi tiếng trong các làng ngoại thành ven đô.
Đặc biệt nhóm 3 đã báo cáo sản phẩm bài làm bằng phóng sự đặc sắc về nghề làm quả cù truyền thống khi đến thăm nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Lập và cùng trải nghiệm làm sản phẩm đầy thú vị. Chuyến ghé thăm đã giúp các em nhận ra sự cần cù khéo léo, tỉ mỉ của người thợ thủ công khi làm ra những sản phẩm vừa tinh xảo vừa đẹp mắt và nguồn gốc câu thành ngữ “chân chỉ hạt bột”.
Đôi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công lành nghề đã được cách điệu và kết tinh trong vẻ đẹp của điệu múa cổ Sênh Tiền. Nhóm nữ học sinh trong CLB Múa Bông – Múa Sênh Tiền đã tự tin trình diễn điệu múa độc đáo đem lại sự thư giãn đúng lúc cho giờ học.
Học sinh nhóm 4 gây bất ngờ lớn khi trình bày sản phẩm tìm hiểu về nghề làm chổi lông gà. Nghề nghiệp đã được lên sóng truyền hình trong và ngoài nước chứng minh cho câu tục ngữ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Thú vị hơn, các em được trải nghiệm hai công đoạn làm chổi lông gà: đó là phân loại và khâu chổi dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân – khách mời của chương trình.
Trong các giải pháp để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, thầy cô rất ấn tượng về dự án phát triển Tour du lịch kết hợp với trải nghiệm của học sinh. Cuối tiết học, các em được biết đến một bức tranh rộng lớn hơn về các làng nghề của huyện để càng thêm yêu mến và tự hào về mảnh đất Thanh Trì, về thủ đô Hà Nội thân yêu với nhiều nghề thủ công truyền thống nổi tiếng. Từ đó, ra sức học tập và rèn luyện để có khả năng đưa các sản phẩm nghề truyền thống đến với bạn bè quốc tế.
Tiết dạy chuyên đề đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng đẹp cho tất cả những thầy cô giáo tham dự. Sự thành công của chuyên đề đã đánh dấu tiếp những khởi đầu tốt đẹp cho nhà trường trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lãnh đạo nhà trường xin chân thành cảm ơn phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, đại diện BGH các nhà trường và các thầy cô giáo đã tham dự và góp ý để nhà trường có những chuyên đề thành công hơn nữa.
Dưới đây là một số hình ảnh của giờ chuyên đề: