Đến dự và chỉ đạo có đồng chí Lã Thị Tuyết Nhung, chuyên viên PGD&ĐT huyện Thanh Trì cùng các thầy cô giáo đại diện Ban giám hiệu và các thầy cô giảng dạy bộ môn Toán ở các trường trên địa bàn huyện.
Tổ chức các chuyên đề cấp huyện là một hoạt động chuyên môn ý nghĩa được Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì thực hiện hàng năm với mục đích giúp giáo viên có cơ hội trao đổi, học hỏi lẫn nhau về chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm dạy học các bộ môn theo chương trình sách giáo khoa mới nói chung và bộ môn Toán nói riêng. Động viên khích lệ giáo viên sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh lớp mình góp phần nâng cao chất lượng giờ dạy. Trên cơ sở đó Phòng Giáo dục và đào tạo huyện sẽ thống nhất hướng giải quyết về nội dung, phương pháp dạy học cho các trường THCS trong toàn huyện.Việc tổ chức chuyên đề còn là điều kiện tốt để CBQL và giáo viên trong huyện trao đổi kinh nghiệm, giao lưu học hỏi lẫn nhau góp phần nâng cao chất lượng và đổi mới phương pháp dạy học; đồng thời động viên khích lệ tinh thần sáng tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên trong nhà trường.
Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên thực hiện chương trình Sách giáo khoa mới lớp 8 nên còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Đặc biệt, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đối với bộ môn Toán, chương “Dữ liệu và biểu đồ” với bài mở đầu “Thu thập và phân loại dữ liệu” có tính ứng dụng thực tiễn cao và là một trong những nội dung được định hướng là nội dung thi vào 10 THPT theo chương trình sách giáo khoa mới trong những năm học tới. Vượt qua những khó khăn khi tiếp cận kiến thức mới, đến với chuyên đề cô giáo Nguyễn Thị Việt Nga đã xác định mục tiêu cần đạt, các phương pháp dạy học phát triển được năng lực học sinh. Mở đầu tiết dạy, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, các bạn học sinh đã thu thập những số liệu thực tế theo nội dung được giao nhiệm vụ một cách sáng tạo.
Với phần hình thành kiến thức, cô đã sử dụng kết hợp hiệu quả nhiều phương pháp dạy học truyền thống như vấn đáp, thảo luận nhóm, và phương pháp dạy học tích cực như kỹ thuật mảnh ghép. Bên cạnh đó, cô giáo Việt Nga ứng dụng hiệu quả nhiều phần mềm hỗ trợ dạy học như Violet, Qzi, Palled,… giúp các hoạt động của học sinh thêm sôi nổi, đầy hào hứng. Học sinh hiểu, nắm vững được kiến thức trọng tâm của bài như phân loại dữ liệu, các phương pháp thu thập dữ liệu, những loại dữ liệu.
Qua tiết học, học sinh còn được trải nghiệm, rèn tính chăm chỉ, kiên trì, kĩ năng thuyết trình, làm việc cá nhân, làm việc theo nhóm,… Không chỉ thế, học sinh được tiếp cận và rèn luyện kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị dạy học hiện đai một cách thành thạo. Và đặc biệt nhiều kiến thức liên môn như Giáo dục thể chất, Địa lý, Hoạt đông trải nghiệm cũng được cô Nga đưa vào bài học một cách hợp lý giúp học sinh hình thành khả năng tư duy, kỹ năng xử lý dữ liệu để học tốt các môn học khác cũng như ứng dụng cuộc sống. Từ đó, các con sẽ thêm hứng thú và hơn hết đó là sự cảm nhận được toán học rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày chứ không phải là một bộ môn khô khan.
Sau khi kết thúc Chuyên đề, các thầy cô giáo nhóm Toán của huyện Thanh Trì đã thực hiện đánh giá rút kinh nghiệm. Các thầy cô đều khẳng định đây là một chuyên đề hay, kiến thức mới, cô giáo đã có sự chuẩn bị bài chu đáo, có tác phong sư phạm, viết bảng khoa học, hợp lý, nhất là dưới sự hướng dẫn của cô Nga, học sinh thảo luận nhóm nhịp nhàng, sôi nổi. Điều đó cho thấy cô giáo đã có quá trình hướng dẫn, rèn luyện học sinh tiến hành thảo luận nhóm thường xuyên nên kỹ năng thảo luận nhóm của các em thuần thục và chỉn chu. Phát biểu chỉ đạo tại chuyên đề, đồng chí Lã Thị Tuyết Nhung đã đánh giá cao giờ học của cô giáo Nguyễn Thị Việt Nga: “Việc lựa chọn bài học này để làm chuyên đề cấp huyện của trường THCS Liên Ninh là rất hợp lý và cũng là một quyết định thật sự dũng cảm, bởi đây là những kiến thức mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của môn Toán. Tuy nhiên, việc lựa chọn những việc khó, những điều mới mẻ này lại rất có ý nghĩa, là cơ hội để các thầy cô giáo giảng dạy môn Toán trong toàn huyện có dịp học tập, trao đổi, thảo luận, chia sẻ các phương pháp tiếp cận và dạy học những đơn vị kiến thức mới thực hiện ở chương trình lớp 8. Từ đó có cách dạy, phương pháp mới cho phù hợp”. Đ/c Tuyết Nhung khẳng định: bài dạy này có tính ứng dụng thực tiễn cao, khi nắm vững được kiến thức, học sinh sẽ có tầm nhìn và khả năng ứng dụng thực tiễn hiệu quả.