Trong những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ cốt cán các trường điểm của huyện về công tác phòng tránh tai nạn thương tích - phòng cháy, chữa cháy trong các cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường tiếp tục triển khai các lớp tập huấn nhân rộng tại các cơ sở giáo dục nhằm đảm bảo tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ trên địa bàn huyện.
Sáng ngày 13/12/2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì tổ chức tập huấn chuyên đề “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sơ cứu ban đầu nhi khoa trong các cơ sở giáo dục mầm non” tại trường Mầm non Tả Thanh Oai B.
Khoá tập huấn được tổ chức với quy mô hơn 200 người gồm cán bộ quản lý, cán bộ y tế, giáo viên cốt cán 4 lứa tuổi của các trường mầm non công lập, trường mầm non tư thục trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Về dự và chỉ đạo buổi tập huấn có cô giáo Nguyễn Thị Như Trang - Chuyên viên phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì, cô giáo Hoàng Thị Khánh Ly - Chuyên viên phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì. Thành phần chính của buổi tập huấn là đại diện các đồng chí trong Ban giám hiệu, giáo viên, nhân viên y tế của 32 trường mầm non công lập và 12 trường mầm non tư thục trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Cô giáo Hoàng Thị Khánh Ly – Chuyên viên phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì cho biết, chương trình tập huấn nằm trong Hướng dẫn số 774/PGDĐT-GDMN ngày 31/8/2023 của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục mầm non năm học 2023-2024. Với chuyên đề “Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sơ cứu nhi khoa ban đầu trong cơ sở GDMN”, phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã chỉ đạo trường Mầm non Tả Thanh Oai B liên hệ và mời giảng viên là Thạc sĩ, Bác sĩ của hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, Đại học Y Hà Nội, Học viên Quân Y; Cao Đẳng y tế Hà Đông cũng như các Bác sĩ của SAFI để bồi dưỡng cho Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Tại buổi tập huấn, giảng viên hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ đã giới thiệu kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu với các nội dung; Cấp cứu ngừng tim phổi (CPR) ở trẻ em; Cấp cứu ngừng tim phổi (CPR) ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi; Dị vật đường thở ở trẻ em, ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi; Sơ cứu trẻ co giật – Sốt cao co giật; Tư thế nằm nghiêng an toàn và xử trí trẻ bị bỏng.
Thầy giáo Nguyễn Văn Bình – Bác sĩ quản lý đào tạo SAFI, giảng viên Hiệp hội tim mạch Hòa Kỳ cho biết: Những năm gần đây các vụ tai nạn thương tích thương tâm liên tục xảy ra ở trẻ em nhất là trẻ em lứa tuổi mầm non gây thiệt hại lớn về tinh thần cho mỗi gia đình và toàn xã hội. Chính vì vậy, việc hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trong các cơ sở giáo dục mầm non kỹ năng xử lý tình huống tai nạn thương tích xảy ra bất ngờ với trẻ ở trường mầm non cũng như ở nhà là vô cùng quan trọng.
Trong buổi tập huấn, các giáo viên, nhân viên được hướng dẫn thực hành sơ cấp cứu nhi khoa ban đầu trong những tình huống thường gặp: Đuổi nước, điện giật (Thực hành tiếp cận hiện trường, đánh giá nạn nhân, cấp cứu ngừng tim phối CPR với bệnh nhân ngừng thở); Thực hành sơ cấp cứu dị vật đường thở ở trẻ em và trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và tư thế nằm nghiêng an toàn. Ngoài ra, cán bộ, giáo viên cũng được trang bị những kiến thức phòng tránh các tai nạn cho trẻ nhỏ và cách nhận biết những dấu hiệu bất thường liên quan đến sức khỏe ở trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời tại cơ sở giáo dục mầm non.
Buổi tập huấn vô cùng hữu ích cho từng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên không những chỉ để áp dụng tại trường và gia đình, mà mỗi cá nhân đều có kỹ năng cần thiết để sơ cấp cứu, giữ an toàn cho tất cả mọi người xung quanh khi cần thiết.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ đối với các trường mầm non và nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm về công tác phòng chống tai nạn thương tích cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non.
Qua buổi tập huấn, mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên các nhà trường đều hiểu biết rõ hơn về công tác phòng chống tai nạn thương tích và kỹ năng sơ cấp cứu nhi khoa ban đầu. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với hoạt động phòng chống tai nạn thương tích và xử trí các tai nạn thường gặp ở trẻ em nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình, của người thân trong gia đình và của cơ quan, đơn vị góp phần cùng với các nhà trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phụ huynh học sinh và cộng đồng nêu cao ý thức, trách nhiệm đối với hoạt động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ ở mọi lúc, mọi nơi.