Tại Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã tham gia cuộc họp trực tuyến với UBND các xã, thị trấn để trực tiếp chỉ đạo, rút kinh nghiệm một số vấn đề liên quan.
Báo cáo của huyện Thanh Trì cho thấy, thời gian qua, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch, qua đó, đã khống chế, kiểm soát, kết thúc được 12 ổ dịch trên địa bàn huyện. Hiện, huyện chỉ còn 1 ổ dịch, dự kiến sẽ kết thúc trong tuần tới.
Từ ngày 21-9 đến nay, toàn huyện chỉ phát sinh thêm 1 ca F0. Tính chung từ ngày 24-7 đến nay, tổng số ca F0 trên địa bàn là 389 ca tại 15/16 xã, thị trấn. Đến nay, 292 ca đã khỏi bệnh, còn điều trị 97 ca.
Hiện huyện Thanh Trì còn 1 khu vực cách ly y tế với 33 hộ và 132 nhân khẩu tại tổ dân phố số 2, xã Thanh Liệt với 20 F0/5 gia đình. Tính đến ngày 15-9, huyện đã tiêm được 82.797 mũi vắc xin phòng Covid-19 phục vụ nhân dân, đạt tỷ lệ 97,7% dân số trên địa bàn được tiêm mũi 1. Huyện cũng đã hoàn thành hỗ trợ cho 7.438 đối tượng là các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 7,438 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 100%.
Toàn huyện cũng đã vận động được hơn 45.000 suất quà, trị giá hơn 12 tỷ đồng bao gồm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu; trao tặng 3 máy tính, 38 điện thoại thông minh, 2 máy tính bảng và 1.000 cuốn vở, góp phần để 100% học sinh trên địa bàn có đủ thiết bị học trực tuyến…
Tuy nhiên, với vị trí là đầu mối giao thông, có nhiều bệnh viện, chung cư đông người, Thanh Trì vẫn là vùng trọng điểm dịch bệnh của thành phố.
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Hiện đã có 95,3% người dân từ 18 tuổi trên toàn thành phố đã được tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 và số người đã tiêm đủ 2 mũi là 10,2%. Vì vậy, việc thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch mà Thủ đô đã nỗ lực thực hiện suốt thời gian vừa qua.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thời gian tới, thành phố đã đặt ra mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, từng bước phục hồi kinh tế sau khi bước sang giai đoạn bình thường mới; phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ tuân thủ các nguyên tắc: Y tế là trụ cột, kinh tế là cơ sở, nền tảng; xây dựng cơ sở dữ liệu để khai báo y tế điện tử…, qua đó giữ vững an toàn dịch bệnh, từng bước ổn định để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô sau khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Thanh Trì bám sát chỉ đạo của thành phố, chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất tại các cụm công nghiệp. Đối với các xã, cần chủ động phương án phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp. Với các chợ dân sinh tạm thời đóng cửa, cần khẩn trương cho mở cửa trở lại kèm theo thực hiện nghiêm việc khai báo y tế điện tử, chấp hành nghiêm thông điệp “5K”. Cùng với đó, bám sát nhu cầu của người dân để có kế hoạch cung ứng hàng hóa; rà soát, cho phép mở lại các trung tâm thương mại… Với các dịch vụ được phép hoạt động trở lại, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh…
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện chủ động triển khai vụ mùa, khẩn trương triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông để bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu huyện tiếp tục thực hiện nghiêm các nguyên tắc phòng, chống dịch tại các khu cách ly tập trung; xây dựng kế hoạch tiêm mũi 2 phục vụ nhân dân trên nguyên tắc: Mũi 1 đã tiêm vắc xin gì thì mũi 2 sẽ tiêm vắc xin đó. Lực lượng Công an huyện cần triển khai đề án tích hợp dữ liệu dân cư, giám sát chặt chẽ nhằm giữ vững an ninh, an toàn trên địa bàn. Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện tối ưu cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính, đẩy nhanh triển khai các dự án đang dang dở do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện phát động phong trào “xanh hóa” các vùng trên địa bàn huyện, xây dựng “công dân xanh”, “doanh nghiệp xanh”, “cơ quan xanh” để từng bước bình thường hóa trên cơ sở thực hiện nghiêm thông điệp “5K” và quét mã QR để khai báo y tế điện tử. Cùng với đó, tiếp tục phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng, nắm rõ di biến động dân cư, đặc biệt là người di chuyển về Hà Nội từ vùng có dịch. Đặc biệt, huyện cần thành lập các tổ kiểm tra liên ngành để vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tích cực vào việc giữ vững nhịp tăng trưởng của Thủ đô, tạo nguồn lực phát triển.
Sau cuộc họp trực tuyến với UBND các xã, thị trấn của huyện, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã xuống hiện trường, thăm, động viên hoạt động thu mua, sơ chế rau và kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại cơ sở liên kết chuỗi của Hợp tác xã An Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì).
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.