Công tác phổ cập bơi là một trong những hoạt động giáo dục quan trọng không chỉ giúp học sinh nâng cao sức khỏe mà còn hoàn thiện kỹ năng sống, biết tự bảo vệ mình trước tai nạn đuối nước. Tại huyện Thanh Trì, đây là một hoạt động được lãnh đạo Huyện ủy, UBND và Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đặc biệt quan tâm, coi trọng.
Một đề án nhân văn
Từ năm 2016, đề án “Xây dựng bể dạy bơi phòng chống đuối nước và phổ cập bơi cho học sinh Tiểu học và THCS huyện Thanh Trì giai đoạn 2016 - 2021” chính thức được thực hiện. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo huyện Thanh Trì giai đoạn 2016 - 2021”.
Theo đó, hàng năm từ ngày 1/6 - 31/8, các trường sẽ mở các lớp dạy bơi cho học sinh độ tuổi từ lớp 3 đến lớp 8, mục tiêu để giảm thiểu các tai nạn đuối nước đáng tiếc xảy ra. Mỗi khóa dạy bơi, học sinh được học 20 buổi, đủ để bơi được 2 kiểu là trườn sấp và bơi ếch. Cuối mỗi khóa dạy bơi, Phòng GD&ĐT sẽ phối hợp cùng cơ quan chuyên môn là Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao (VH - TT&TT) huyện kiểm tra sát hạch và cấp chứng nhận phổ cập bơi cho học sinh.
Theo thầy giáo Phạm Văn Ngát - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì, đề án xây dựng bể dạy bơi phòng chống đuối nước và phổ cập bơi cho học sinh Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Thanh Trì được phôi thai từ năm 2009, bắt đầu từ trường TH Đại Áng và trường THCS Liên Ninh. Sau đó, việc đầu tư xây dựng bể bơi trong trường học tiếp tục được nhân rộng, đến nay toàn bộ 16/16 xã, thị trấn của huyện Thanh Trì đều đã có bể bơi cố định đặt tại 1 trường Tiểu học hoặc THCS.
Sau 5 năm triển khai đề án “Xây dựng bể dạy bơi phòng chống đuối nước và phổ cập bơi cho học sinh Tiểu học và THCS huyện Thanh Trì giai đoạn 2016 - 2021”, tính đến hết tháng 9/2020, toàn huyện Thanh Trì đã mở được hàng chục nghìn lớp dạy bơi và cấp Giấy chứng nhận cho tổng số 36.807 học sinh.
Chỉ riêng năm học 2019 – 2020, huyện đã mở các lớp dạy bơi cho 4.652 học sinh tham gia và cấp Giấy chứng nhận cho 4.101/4.133 học sinh (đạt tỷ lệ 99,22%). Một số bể dạy bơi tại một số trường đã thực hiện rất tốt công tác phổ cập bơi, tiêu biểu là bể dạy bơi tại trường Tiểu học Vũ Lăng với 176/76 học sinh được cấp chứng nhận (vượt 131,58% chỉ tiêu được giao), Tiểu học A Thị trấn Văn Điển là 235/118 học sinh (vượt 99,15% chỉ tiêu được giao), Tiểu học Tam Hiệp là 168/86 học sinh (vượt 95,35% chỉ tiêu được giao)…
Những kết quả tích cực từ đề án dạy bơi cho học sinh đã giúp ngành GD&ĐT Thanh Trì đạt 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng cấp TP môn bơi trong năm học 2019 – 2020, trong đó có 1 em được gọi vào đội tuyển TP tham gia thi đấu toàn quốc. Ngoài việc phổ cập bơi cho học sinh trong huyện, hàng năm, các bể dạy bơi tại một số trường (THCS Liên Ninh, Chu Văn An, Thanh Liệt, Thị trấn Văn Điển) còn đáp ứng nhu cầu học bơi của hàng trăm học sinh tại các trường thuộc quận Hoàng Mai, quận Hà Đông và huyện Thường Tín.
Tiếp tục triển khai nhân rộng
Năm học 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các trường không tổ chức dạy bơi cho học sinh. Đến năm học 2021 – 2022, tình hình dịch bệnh tạm lắng, các trường đã khởi động trở lại hoạt động dạy bơi cho học sinh từ ngày 1/6/2022. Đến thời điểm này, Phòng GD&ĐT và Trung tâm VH-TT&TT đang chuẩn bị cấp Giấy chứng nhận phổ cập bơi đợt I cho học sinh.
Để việc thực hiện đề án được hiệu quả, hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch dạy bơi cho các trường, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể cho từng trường. Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các nhà trường kiểm tra, cải tạo, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng các bể dạy bơi; kiểm tra, vận hành hệ thống máy lọc nước đảm bảo vệ sinh an toàn, đáp ứng nhu cầu dạy và học bơi của nhà trường, địa phương.
Phòng GD&ĐT phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tổ chức tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế các trường; tập huấn công tác quản lý dạy bơi cho các Ban Giám hiệu và các lực lượng tham gia phục vụ khóa bơi theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Còn tại các trường, Ban Giám hiệu các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy bơi với các xã, thị trấn; đồng thời phối hợp tuyên truyền tới phụ huynh học sinh và Nhân dân địa phương, chọn cử giáo viên giảng dạy, trợ giảng, nhân viên phục vụ, y tế… đúng quy định.
Nhờ vậy, trong quá trình thực hiện, 100% các trường có bể dạy bơi đều triển khai hiệu quả việc dạy bơi cho học sinh, đảm bảo theo đúng giáo trình hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh.
Đánh giá về mục tiêu, ý nghĩa của đề án, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì - thầy giáo Phạm Văn Ngát cho rằng, đây là một đề án có tính nhân văn cao, góp phần làm giảm nguy cơ đuối nước cho trẻ em, nhất là vào dịp hè, do đó nhận được sự đồng tình ủng hộ và nhất trí cao của phụ huynh học sinh trên địa bàn huyện. Đề án sẽ tiếp tục được triển khai nhân rộng trong giai đoạn tiếp theo (2021-2026)./.
Nguồn tin: Báo kinh tế và Đô thị