Đối tượng giả mạo bằng cách lập tài khoản zalo, lấy ảnh đại diện của cô giáo ở Kinh Môn.
Sau đó, cá nhân này đã tham gia bằng đường link vào nhóm zalo của lớp do cô giáo kia chủ nhiệm rồi sử dụng zalo giả mạo cô giáo đã kết bạn, nhắn tin với các phụ huynh của học sinh yêu cầu chuyển khoản để nộp tiền học cho con vào số tài khoản mang tên người khác, không phải tên cô giáo.
Sau khi nhận được thông tin trên, cô giáo đã đến Công an thị xã Kinh Môn để viết đơn trình báo sự việc.
Đến thời điểm sự việc bị phát hiện, đã có 6 phụ huynh gửi vào tài khoản của đối tượng giả mạo số tiền 25,8 triệu đồng.
Hiện lực lượng chức năng đang vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ vụ việc...
Sự việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua, tình trạng hack, giả mạo tài khoản Zalo, Facebook của người khác nhằm mục đích lừa đảo diễn ra khá phổ biến.
|
Nhiều đối tượng đã giả mạo tài khoản Zalo để lừa người khác chuyển tiền
|
Cách đây không lâu, CATP Tuyên Quang nhận được đơn trình báo của chị V.T.D (33 tuổi) ở phường Ỷ La, TP Tuyên Quang, giáo viên cấp 2 ở huyện Yên Sơn về việc nhiều người thân, bạn bè phản ánh có số điện thoại kết bạn đã sử dụng hình ảnh cô giáo V.T.D rủ họ đi chơi, gạ tình.
Sau khi nhận được đơn trình báo, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra.
Kết quả xác minh cho thấy, L.Q.Đ - học sinh của một trường dạy nghề đang sử dụng số điện thoại mà đã dùng để lập nick Zalo tên của chị V.T.D với mục đích trả thù do đã bị cô giáo bắt chép phạt trước đó.
Đ đã sử dụng số điện thoại của mình lập nick Zalo lấy tên cô giáo V.T.D. Sau đó, học sinh này vào Facebook của cô giáo copy nhiều ảnh của cô, sử dụng nick Zalo có tên và hình ảnh của cô giáo D mạo danh kết bạn, nhắn tin với bạn bè, đồng nghiệp của cô giáo và một số người khác với những nội dung không lành mạnh, gạ tình với nhiều người nhằm mục đích hạ thấp danh dự, nhân phẩm, uy tín của cô giáo.
Không chuyển tiền vào tài khoản lạ
Về chế tài xử lý những đối tượng có hành vi giả mạo người khác nhằm mục đích lừa đảo, xâm phạm danh dự uy tín cá nhân, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng giả mạo cô giáo ở thị xã Kinh Môn có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi đã sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của người khác.
Điều 174 BLHS 2015 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
Với số tiền là 25,8 triệu đồng, đối tượng có hành vi lừa đảo có thể bị phạt tù tới 3 năm.
Cũng theo Luật sư Thanh Hà, trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội nên hạn chế tập trung đông người, tổ chức làm việc, học online, sử dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để liên lạc, thông báo các thông tin hoạt động…
Do vậy, nhiếu đối tượng đã lợi dụng hoàn cảnh này để hack tài khoản, giả mạo người khác để lừa đảo, đăng tải thông tin sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Để hạn chế những rủi ro không đáng có, mỗi cá nhân cần bảo mật thông tin cá nhân, khi nhận được các thông tin, yêu cầu vay, chuyển tiền từ người khác qua mạng xã hội cần phải gọi điện trực tiếp để xác minh lại.
Đặc biệt, với các khoản tiền phí, lệ phí, trước khi chuyển khoản cần kiểm tra tài khoản của đơn vị thụ hưởng, tránh nộp tiền vào tài khoản cá nhân có tên lạ - Luật sư Thanh Hà khuyến cáo.