Bước vào năm học mới, Thanh Trì có 84 trường gồm 7 trường công lập, 12 trường ngoài công lập với trên 68 nghìn 500 học sinh và 4.770 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhằm bảo đảm cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp cho năm học mới, Huyện đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án xây mới 3 điểm trường; Triển khai dự án nâng cấp Trường Tiểu học Đông Mỹ; cải tạo, mở rộng Trường Tiểu học Đại Áng, Ngũ Hiệp. 32 trường có phòng ngoại ngữ chuyên dụng, 16 trường có phòng học thông minh. Các trường thực hiện việc chỉnh trang khuôn viên, sửa chữa, xây mới hệ thống CSVC, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Các trường được đầu tư cơ sở vật chất chuẩn bị năm học mới
Trường Mầm non Duyên Hà mới được đầu tư xây dựng
Trường Tiểu học Tứ Hiệp
Trong bối cảnh đang phải tập trung cho phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay, cùng với sự linh động bố trí nguồn ngân sách, Huyện và chính quyền các cấp, Ban giám hiệu các trường đã kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư CSVC, trường lớp. Ưu tiên xây dựng và sửa chữa các phòng học để đáp ứng các điều kiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6. Ngành GD&ĐT huyện cũng đã thực hiện tốt khâu sắp xếp, ổn định đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các nhà trường; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên.
Các trường tổ chức tập huấn, họp triển khai nhiệm vụ năm học mới
Có thể thấy, gần 2 năm qua dịch bệnh là thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội, là cú hích để giáo dục Thanh Trì mạnh mẽ thay đổi, chuyển từ dạy học truyền thống sang online, bắt kịp và hội nhập với xu thế đổi mới của giáo dục hiện đại. Nếu như trước đây, hành trang cho năm học mới chỉ cần sách vở, giấy bút thì năm nay, trước diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, các em học sinh của huyện Thanh Trì phải tập làm quen với máy tính hay điện thoại thông minh trước giờ lên lớp.
Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo Ban giám hiệu các trường chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản cho nhiều tình huống có thể diễn ra do dịch và sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi học sinh trở lại trường học tập. Trên nền tảng Internet, Cấp Tiểu học, THCS sẽ dạy học trực tuyến bằng các phần mềm phong phú, đa dạng, học trên phần mềm Hanoi Study, Google Meeting, Zoom…; các nhà trường cũng đôn đốc giáo viên tham khảo cách thiết kế bài giảng điện tử theo chương trình mới, những video clip được các các thầy cô giáo thiết kế chương trình giảng dạy không quá thời gian 5 -7 phút/lần; tải một số trò chơi trắc nghiệm có liên quan để giáo viên và học sinh cùng chơi mà học, học mà chơi. Hiện tại, giáo viên các trường đều đã chạy thử; tổ chức các hoạt động kết nối, tạo nhóm lớp để tương tác, ôn luyện lại kiến thức cho học sinh và giúp các em làm quen dần với phương pháp học tập mới này. Đồng thời xây dựng thời gian biểu dạy học trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp thống nhất với phụ huynh về khung thời gian học để phù hợp với các đối tượng học sinh, thời lượng tối đa 3 tiết/ngày.
Học sinh chuẩn bị vào lớp 1
Ở cấp Tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Khối lớp 1, lớp 2 ưu tiên dạy môn Tiếng Việt và môn Toán giúp học sinh hình thành kỹ năng cơ bản, cần thiết ban đầu, lựa chọn các nội dung dạy học phù hợp với hình thức dạy trực tuyến.
Đối với học sinh lớp 3, lớp 4, lớp 5, các nhà trường sử dụng các tiết dạy trên chuyên mục "Học trực tuyến khối tiểu học" đã được Sở phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng, được lưu trên kênh Youtube của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các kho học liệu sẵn có và tổ chức xây dựng kho học liệu bổ sung, tổ chức dạy học bằng các phương án phù hợp với từng đối tượng học sinh. Với một số môn như thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức, tự nhiên xã hội, giáo viên xây dựng bài học bằng video clip gửi cho phụ huynh để giúp con học tập.
Quan tâm tặng quà cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn
Trường THCS Chu Văn An
Học sinh được nhận Sách giáo khoa, đồ dùng học tập
Trường Tiểu học Ngô Sỹ Kiện
Trường THCS Tả Thanh Oai
Trường THCS Thanh Liệt
Thầy giáo Phạm Văn Ngát - Trường Phòng GD&ĐT huyện triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022
Thầy giáo Phạm Văn Ngát – Trưởng Phòng GD&ĐT Huyện cho biết: Năm học 2021-2022, ngành giáo dục huyện Thanh Trì xác định nhiệm vụ tăng cường thực hiện Chỉ thị 800/CT-BGDĐT ngày 24/8/2021 của Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ năm học ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo. Toàn ngành sẽ tăng cường kỷ cương, nề nếp trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó giáo dục phổ thông chú trọng đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng; Giáo dục mầm non chú trọng việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Giáo dục huyện Thanh Trì trong thời kỳ hội nhập phải đảm bảo phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới. Phấn đấu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.
Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường học, tin tưởng Ngành Giáo dục huyện Thanh Trì sẽ vững tin bước vào năm học mới 2021-2022 với nhiều đột phá mới, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ dạy và học phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh Covid - 19, gặt hái nhiều thành tích hơn nữa trong sự nghiệp “trồng người”, góp phần vào sự phát triển toàn diện của quê hương Thanh Trì./.
Thanh Hồng - Trung tâm VH-TT&TT(Tin TH)